Khi doanh nghiệp đóng cửa chi nhánh cần phải tiến hành thông báo cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh (hay còn gọi là thủ tục giải thể chi nhánh). Luật Vạn Điểm sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin về điều kiện, trình tự, hồ sơ của thủ tục giải thể chi nhánh công ty dựa trên các quy định mới nhất hiện nay.
Một số điều cần biết về chi nhánh công ty
Trước khi tìm hiểu chi tiết về thủ tục giải thể chi nhánh công ty, cần nắm qua một số quy định pháp luật về chi nhánh công ty dưới đây.
Chi nhánh công ty là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh là:
- Đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, do vậy không có tư cách pháp nhân.
- Chi nhánh thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp, ngoài chức năng chính là kinh doanh còn bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
Tránh nhầm lẫn giữa khái niệm chi nhánh và khái niệm văn phòng đại diện. Dù cả hai đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp nhưng điểm khác nhau chính để phân biệt chúng đó là: Chi nhánh có thể thực hiện chức năng kinh doanh trong khi văn phòng đại diện thì không.
Các trường hợp giải thể chi nhánh công ty
Tiến hành thủ tục giải thể chi nhánh công ty trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp ra quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh;
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
Thủ tục giải thể chi nhánh công ty
Căn cứ Điều 72 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, thủ tục giải thể chi nhánh công ty được tiến hành như sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh (theo mẫu quy định tại Phụ lục II-20 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị/ chủ sở hữu công ty về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh;
- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
- Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của họ;
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh;
- Con dấu của chi nhánh (nếu có);
- Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động trong trường hợp chi nhánh hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương (theo mẫu tại Phụ lục II-15 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
- Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư và bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế của chi nhánh.
Trình tự giải thể chi nhánh công ty
Thủ tục giải thể chi nhánh công ty phải được tiến hành theo trình tự sau:
Bước 1: Chi nhánh đăng ký với Cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho Phòng Đăng ký doanh nghiệp nơi đặt chi nhánh trong vòng 10 ngày kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh.
Bước 3: Sau khi tiến nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo về việc chi nhánh chấm dứt hoạt động cho Cơ quan thuế.
Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo, Cơ quan thuế sẽ phải gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của chi nhánh cho Phòng Đăng ký kinh doanh.
Bước 4: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh tiến hành:
- Cập nhật trạng thái pháp lý của chi nhánh sang chấm dứt hoạt động trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/
- Ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh.
Lưu ý: Đối với thủ tục giải thể chi nhánh công ty ở nước ngoài:
- Thực hiện thủ tục giải thể chi nhánh công ty theo pháp luật của nước nơi đặt chi nhánh.
- Công ty gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày chính thức chấm dứt hoạt động chi nhánh.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh bị chấm dứt hoạt động liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ giải thể chi nhánh.
- Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ (gồm cả nợ thuế của chi nhánh) và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh.
Địa chỉ Phòng Đăng ký kinh doanh của một số thành phố lớn:
- Tại Hà Nội: số 258 đường Võ Chí Công, Phường Xuân La, Quận Tây Hồ.
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Số 32 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1.
- Tại Đà Nẵng: Tầng 6 Tòa nhà Trung tâm hành chính, Số 24 Trần Phú, Phường Thạch Thang, Quận Hải Châu.
Trên đây là bài viết hướng dẫn thủ tục giải thể chi nhánh công ty dựa trên các quy định pháp luật hiện hành. Nếu có thêm thắc mắc, hãy liên hệ cho Luật Vạn Điểm thông qua Hotline: 097.283.7873 để được hỗ trợ giải đáp chính xác và nhanh chóng. Luật Vạn Điểm luôn tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín với đội ngũ luật sư giàu chuyên môn và kinh nghiệm.