Việc đóng cửa địa điểm kinh doanh chỉ được xem là hợp pháp nếu doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký chấm dứt địa điểm kinh doanh (hay thường được gọi là thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh) với Cơ quan nhà nước. Dựa trên các quy định hiện hành, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh.
Quy định pháp luật về địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh là gì?
Địa điểm kinh doanh là nơi để doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh cụ thể. Theo đó, căn cứ khái niệm “kinh doanh” tại khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì có thể hiểu:
Địa điểm kinh doanh là nơi thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Khi tiến hành các hoạt động kinh doanh ngoài địa chỉ trụ sở chính hoặc chi nhánh thì doanh nghiệp phải thành lập địa điểm kinh doanh. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải gửi thông báo về việc thành lập này đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Các trường hợp giải thể địa điểm kinh doanh
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp đưa ra quyết định chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh;
- Cơ quan nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh mà địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh đó;
- Trước khi tiến hành thủ tục đăng ký giải thể doanh nghiệp.
Thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh
Căn cứ Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh theo các bước sau đây:
Chuẩn bị hồ sơ
Doanh nghiệp cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Thông báo chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh (theo mẫu được quy định tại Phụ lục II-20 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người thực hiện thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh (đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không thể tiến hành thủ tục).
Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh bằng một trong hai hình thức:
- Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.
- Nộp qua mạng điện tử thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/
Thời hạn nộp hồ sơ: trong vòng 10 ngày kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh.
Lấy ý kiến Cơ quan Thuế
Sau khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi cho Cơ quan thuế thông tin về việc địa điểm kinh doanh chấm dứt hoạt động. Sau đó, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của địa điểm kinh doanh cho Phòng Đăng ký kinh doanh.
Thời hạn gửi ý kiến: trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận thông tin từ Phòng Đăng ký kinh doanh.
Nhận kết quả
Nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh phải:
- Cập nhật tình trạng pháp lý của địa điểm kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thành chấm dứt hoạt động;
- Ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh.
Thời hạn trả kết quả: trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý: Thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh không mất lệ phí.
Một số lưu ý về thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh
Khi tiến hành thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thông báo chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh).
- Hồ sơ để giải thể địa điểm kinh doanh không cần kèm theo nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/chủ sở hữu công ty về việc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh) sẽ liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của bộ hồ sơ.
- Bị xử lý vi phạm hành chính nếu giải thể địa điểm kinh doanh mà không thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh với mức phạt: từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Dịch vụ tư vấn thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh tại Luật Vạn Điểm
- Tư vấn các quy định pháp luật về thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh;
- Hỗ trợ doanh nghiệp soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ giải thể địa điểm kinh doanh;
- Nhận ủy quyền thay mặt doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả giải thể địa điểm kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các công việc khác có liên quan trước và sau khi giải thể địa điểm kinh doanh.
Trên đây là bài viết hướng dẫn thủ tục giải thể địa điểm kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành (Luật Doanh nghiệp 2020). Nếu có thêm thắc mắc hãy liên hệ ngay cho Luật Vạn Điểm thông qua Hotline: 0972837873 để được hỗ trợ tư vấn chính xác và kịp thời. Luật Vạn Điểm với đội ngũ luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm sẽ mang lại cho khách hàng các giải pháp hiệu quả và hạn chế tối đa chi phí.