Dịch vụ thành lập công ty cổ phần [Thủ tục nhanh, gọn]

thành lập công ty cổ phần

Công ty cổ phần là cụm từ không còn xa lạ trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ được điều kiện cũng như trình tự, thủ tục để thành lập công ty cổ phần. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về các vấn đề này dựa trên các quy định mới nhất của pháp luật.

thủ tục thành lập công ty cổ phần

Những điều cần biết về công ty cổ phần

Dưới đây là các thông tin cần biết trước khi tiến hành thành lập công ty cổ phần.

Công ty cổ phần là gì?

Công ty cổ phần là một trong số các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam với các đặc điểm sau:

  • Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau, gọi là cổ phần.
  • Có cổ đông là cá nhân, tổ chức nắm giữ ít nhất một cổ phần của công ty.
  • Công ty phải luôn có ít nhất 03 cổ đông và không bị giới hạn số lượng tối đa.
  • Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn: đối với những khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn đã góp vào công ty.
  • Cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp đối với cổ đông sáng lập sẽ gặp hạn chế trong việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình hoặc những hạn chế khác được quy định trong điều lệ công ty.

Các loại cổ phần

  1. Cổ phần phổ thông: bắt buộc phải có trong công ty cổ phần. Quyền của cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông (được gọi là cổ đông phổ thông) được quy định cụ thể tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020, trong đó đáng chú ý là một số quyền quan trọng như: quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức, quyền ưu tiên mua cổ phần mới.
  2. Cổ phần ưu đãi: không bắt buộc phải có trong công ty cổ phần

Cổ phần ưu đãi bao gồm các loại sau:

  • Cổ phần ưu đãi cổ tức: có mức trả cổ tức cao hơn so với mức trả cổ tức của cổ phần phổ thông. Nhưng khi sở hữu loại cổ phần này, cổ đông sẽ không có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, biểu quyết và đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
  • Cổ phần ưu đãi hoàn lại: cổ đông sở hữu loại cổ phần này được công ty hoàn lại vốn góp nếu cổ đông này có yêu cầu hoặc được hoàn lại theo các điều kiện tại Điều lệ công ty. Bên cạnh đó, cũng bị hạn chế các quyền giống như cổ phần ưu đãi cổ tức.
  • Cổ phần ưu đãi biểu quyết: cổ đông sở hữu loại cổ phần này có các quyền giống như các cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết nhiều hơn so với một cổ phần phổ thông.
  • Cổ phần ưu đãi khác: do Điều lệ công ty hoặc pháp luật về chứng khoán quy định

Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Thứ nhất, điều kiện về chủ thể thành lập: 

Các cá nhân, tổ chức được phép thành lập công ty cổ phần trừ các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thứ hai, điều kiện về ngành, nghề kinh doanh: 

Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh tất cả các ngành, nghề ngoại trừ các ngành, nghề bị cấm kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020.

Thứ ba, điều kiện về vốn điều lệ: 

Vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty. Lưu ý: các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua tối thiểu 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập công ty. 

Thứ tư, điều kiện về tên công ty

Tên công ty phải bao gồm: Cụm từ “Công ty cổ phần” (hoặc “Công ty CP”) và tên riêng. Cần tránh vi phạm các điều cấm trong việc đặt tên quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020.

Để tránh trùng hoặc gây nhầm lẫn, có thể tra cứu tên công ty tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).

Ngoài ra còn có các điều kiện khác như: đối với một số ngành, nghề kinh doanh có đặt ra điều kiện về vốn pháp định hoặc khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,…

Thủ tục thành lập công ty cổ phần

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với công ty cổ phần được tiến hành như sau:

Hồ sơ cần chuẩn bị

Căn cứ Điều 23 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ để đăng ký thành lập công ty cổ phần bao gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (xem mẫu văn bản tại Phụ lục I-4 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
  2. Điều lệ công ty;
  3. Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
  4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
  • Thẻ CCCD/ CMND/ Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Thẻ CCCD/ CMND/ Hộ chiếu đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; 
  • Quyết định thành lập/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; 
  • Thẻ CCCD/ CMND/ Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Lưu ý: Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài, bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Trình tự đăng ký

Thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với công ty cổ phần thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như hướng dẫn bên trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người thành lập công ty hoặc người được ủy quyền có thể nộp hồ sơ theo một trong các phương thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi mà công ty đặt trụ sở chính;
  • Thông qua mạng thông tin điện tử: sử dụng tài khoản đăng ký doanh nghiệp hoặc chữ ký số công cộng để nộp hồ sơ tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (địa chỉ: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn).

Lưu ý: Tại thời điểm nộp hồ sơ, phải có đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Đóng phí, lệ phí tại thời điểm nộp hồ sơ bằng một trong các phương thức sau:

  • Đóng trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh;
  • Chuyển phí, lệ phí vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh;
  •  Sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử

Mức phí, lệ phí phải đóng như sau:

  • Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần (miễn phí trong trường hợp nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử);
  • Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần (trường hợp hồ sơ không được chấp thuận sẽ được hoàn phí công bố).

Bước 4: Chờ Phòng đăng ký kinh doanh xét duyệt hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ:

  • Nếu hồ sơ hợp lệ: được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: được thông báo bằng văn bản về nội dung cần sửa đổi, bổ sung;
  • Nếu hồ sơ đăng ký bị từ chối: được thông báo bằng văn bản và có nêu rõ lý do.

Lưu ý: Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng điện tử bằng tài khoản đăng ký kinh doanh, nếu hồ sơ hợp lệ, cần phải nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh bản giấy cùng với giấy biên nhận tại Phòng đăng ký kinh doanh, có thể nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện.

Ưu, nhược điểm của công ty cổ phần

Việc hiểu rõ về các ưu, nhược điểm của công ty cổ phần là điều cần thiết trong việc đưa ra quyết định liệu loại hình này có phù hợp với quy mô hay ngành, nghề dự kiến kinh doanh không.

Ưu điểm của công ty cổ phần:

  • Các cổ đông hạn chế được tối đa rủi ro khi góp vốn vào công ty cổ phần nhờ vào chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn của công ty.
  • Khả năng huy động vốn linh hoạt, không chỉ thông qua việc vay vốn mà còn có thể thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng.
  • Là loại hình doanh nghiệp phù hợp để kinh doanh những ngành, nghề cần nguồn vốn lớn do khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn và nhiều người (không bị giới hạn số người góp vốn).
  • Dễ dàng trong việc chuyển nhượng phần vốn góp.
  • Phạm vi hoạt động kinh doanh rất rộng, trong gần như tất cả các lịch vực, ngành nghề.

Nhược điểm của công ty cổ phần:

  • Do số lượng cổ đông lớn gây khó khăn trong việc quản lý và điều hành công ty. Hơn nữa dễ xảy ra tình trạng hình thành các nhóm cổ đông đối đầu nhau về lợi ích.
  • Các chế độ kế toán, tài chính cũng phức tạp hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
  • Tính bảo mật thông tin không cao do phải báo cáo công khai tình hình tài chính và kinh doanh trước Đại hội đồng cổ đông.
  • Dễ bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh khi hầu hết tất cả các quyết định liên quan đến việc kinh doanh của công ty đều phải thông qua Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông. 

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần biết về công ty cổ phần; đồng thời cung cấp những quy định pháp luật về điều kiện và thủ tục để thành lập công ty cổ phần. Nếu có thêm thắc mắc về các vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn chính xác và kịp thời. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *