Thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư theo quy định mới nhất

Thủ tục tạm ngưng dự án đầu tư

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư không thể tránh khỏi việc nhà đầu tư phải cho tạm ngừng dự án trong một khoảng thời gian, có thể do thiếu hụt vốn hoặc do thiên tai, dịch bệnh. Lúc này, nhà đầu tư cần thông báo về việc tạm ngừng này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luatvandiem.com sẽ cung cấp cho bạn đọc các quy định pháp luật mới nhất về thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư qua bài viết dưới đây.

Quy định pháp luật về tạm ngừng dự án đầu tư

Tạm ngừng dự án đầu tư là gì?

Tạm ngừng dự án đầu tư là việc nhà đầu tư tạm thời cho dừng hoạt động của dự án khi mà dự án chưa được hoàn thành vì những lý do khách quan hay chủ quan khác nhau. 

Đặc biệt, tạm ngừng dự án đầu tư vì lý do bất khả kháng thì nhà đầu tư được Nhà nước miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất trong thời gian ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra. Sự kiện được cho là bất khả kháng khi đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:

  • Xảy ra một cách khách quan;
  • Không thể lường trước;
  • Không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép.

Không phải lúc nào dịch bệnh, thiên tai cũng mặc nhiên là sự kiện bất khả kháng, nhà đầu tư cần chứng minh được chúng thỏa mãn đủ 03 điều kiện trên trong trường hợp tạm ngừng dự án đầu tư.

Các trường hợp tạm ngừng dự án đầu tư

Căn cứ quy định tại Điều 47 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư tạm ngừng dự án đầu tư khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Nhà đầu tư muốn tự ngừng dự án đầu tư (trường hợp này, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư được hướng dẫn ở mục bên dưới.)
  2. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định tạm ngừng dự án đầu tư trong các trường hợp sau:
  • Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  • Để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
  • Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động;
  • Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
  1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng dự án đầu tư nếu việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Thời gian tạm ngừng dự án đầu tư

Theo khoản 2 Điều 56 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, thời gian tạm ngừng dự án đầu tư được quy định như sau:

  • Tổng thời gian tạm ngừng không quá 12 tháng trong trường hợp nhà đầu tư tự quyết định tạm ngừng dự án;
  • Tạm ngừng dự án đầu tư theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hoặc bán án, phán quyết của Tòa án, trọng tài thì thời gian tạm ngừng xác định theo quyết định, bản án, phán quyết của các cơ quan này. 
  • Trường hợp, quyết định, bản án, phán quyết của các cơ quan trên không xác định thời gian tạm ngừng dự án đầu tư thì tổng thời gian tạm ngừng không vượt quá 12 tháng.

Thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư

Khi nhà đầu tư tự yêu cầu tạm ngừng dự án đầu tư thì phải thực hiện thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư dưới đây:

Hồ sơ cần chuẩn bị

  • Văn bản thông báo của nhà đầu tư về việc ngừng hoạt động dự án đầu tư (theo mẫu A.I.13 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT);
  • Quyết định và bản sao biên bản họp của nhà đầu tư về việc tạm ngừng dự án đầu tư;
  • Bản sao Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy phép đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư.
  • Văn bản ủy quyền hoặc Hợp đồng dịch vụ giữa nhà đầu tư và tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ và nhận kết quả (trong trường hợp nhà đầu tư ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ và nhận kết quả).

Trình tự tiến hành

Thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư được tiến hành theo trình tự sau:

  1. Nhà đầu tư chuẩn bị 01 hồ sơ như bên trên.
  2. Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý khu công nghiệp) trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định tạm ngừng dự án đầu tư.
  3. Cơ quan đăng ký đầu tư ghi nhận tình trạng hoạt động của dự án và chấp thuận bằng văn bản cho nhà đầu tư, đồng thời thông báo việc tạm ngừng này cho các cơ quan liên quan.

Mức phạt khi không thực hiện thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư

Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 50/2016, nhà đầu tư sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau:

  • Tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư;
  • Tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư dù có thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư nhưng chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan này.

Trên đây là bài viết tư vấn thủ tục tạm ngừng dự án đầu tư dựa trên các quy định pháp luật mới nhất. Nếu muốn tìm hiểu thêm về các vấn đề khác liên quan đến thủ tục này, liên hệ cho Luật Vạn Điểm qua Hotline để được tư vấn chi tiết. Luật Vạn Điểm là đơn vị với nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý các hồ sơ cho doanh nghiệp, giúp khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *