Do tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại, nhiều doanh nghiệp hay hộ kinh doanh phải tạm ngừng việc sản xuất, kinh doanh của mình. Khi đó, nghĩa vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh là phải thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh. Luật Vạn Điểm sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về trình tự, hồ sơ của thủ tục tạm ngừng kinh doanh qua bài viết dưới đây.
Một số điều cần biết về tạm ngừng kinh doanh
Thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh
Khi tạm ngừng kinh doanh; doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Lưu ý: hộ kinh doanh thực hiện việc thông báo tạm ngừng kinh doanh chỉ trong trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên. Ví dụ: hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh trong vòng 25 ngày thì không cần thông báo.
Các trường hợp tạm ngừng kinh doanh
Tiến hành thủ tục tạm ngừng kinh doanh trong các trường hợp sau:
- Theo quyết định của chính doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
- Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như Cơ quan thuế, Tòa án,…)
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp trong mỗi lần thông báo là không quá 01 năm. Nếu hết thời hạn này mà doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, thời hạn tạm ngừng kinh doanh đối với hộ kinh doanh trong 01 lần thông báo là không giới hạn.
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh
Căn cứ Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, thủ tục tạm ngừng kinh doanh được tiến hành như sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh (theo mẫu tại Phụ lục II-19 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị/ chủ sở hữu công ty đối với doanh nghiệp; hoặc bản sao biên bản họp thành viên gia đình đối với hộ kinh doanh về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Đối với doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì phải nộp kèm theo:
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
- Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục II-14 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT).
- Văn bản ủy quyền (trong trường hợp người nộp hồ sơ không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp);
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người nộp hồ sơ.
Trình tự tiến hành
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh sẽ tiến hành theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Chậm nhất trong vòng 3 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh, nộp hồ sơ và nhận Giấy biên nhận tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, cụ thể tại:
- Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
- Phòng Tài chính – Kế hoạch (thuộc UBND cấp huyện) nơi hộ gia đình đăng ký kinh doanh trong trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh.
Bước 2: Nhận kết quả
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp/ hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Đối với trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang “tạm ngừng kinh doanh”.
Lưu ý: Đối với thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phải nộp hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Mức xử phạt khi không thông báo tạm ngừng kinh doanh
Căn cứ theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp, hộ gia đình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi sau:
Đối với doanh nghiệp
- Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đối với hộ kinh doanh
- Tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
- Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Bên cạnh việc bị phạt tiền; doanh nghiệp, hộ gia đình còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: buộc phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.
Dịch vụ tư vấn thủ tục tạm ngừng kinh doanh tại Luật Vạn Điểm:ư
- Tư vấn các quy định pháp luật về thủ tục tạm ngừng kinh doanh;
- Hỗ trợ doanh nghiệp soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng kinh doanh;
- Nhận ủy quyền thay mặt doanh nghiệp nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh và nhận kết quả tại cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đại diện khách hàng giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc tạm ngừng kinh doanh.
- Tư vấn cho doanh nghiệp các vấn đề khác có liên quan.
Trên đây là bài viết tư vấn thủ tục tạm ngừng kinh doanh đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Nếu có thêm thắc mắc, hãy liên hệ ngay cho Luật Vạn Điểm qua số Hotline: 0972837873 để được tư vấn kịp thời. Luật Vạn Điểm luôn tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín với đội ngũ luật sư giàu chuyên môn và kinh nghiệm.