Doanh nghiệp khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới được xem là thành lập hợp pháp tại Việt Nam. Muốn vậy các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện và trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp do luật định. Bài viết dưới đây Luật Vạn Điểm sẽ cung cấp những vấn đề liên quan đến dịch vụ thành lập công ty, doanh nghiệp dựa trên quy định pháp luật mới nhất, đặc biệt là khi Luật Doanh nghiệp 2020 vừa có hiệu lực trong năm nay.
Những nội dung cần chuẩn bị trước khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Trước khi tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần phải chuẩn bị trước những nội dung sau đây:
Loại hình doanh nghiệp:
Lựa chọn một trong 05 loại hình sau:
- Doanh nghiệp tư nhân
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty cổ phần
- Công ty hợp danh
Tên doanh nghiệp:
Tên Tiếng việt của doanh nghiệp có hai phần, bao gồm: loại hình doanh nghiệp và tên riêng (có thể là chữ cái, chữ số và ký hiệu).
Ví dụ: Công ty cổ phần Đại Bắc
Ngoài tên Tiếng việt, doanh nghiệp còn có thể có tên bằng tiếng nước ngoài hoặc tên viết tắt.
Lưu ý các trường hợp đặt tên doanh nghiệp bị cấm được quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020.
Trụ sở chính của doanh nghiệp:
- Bắt buộc phải đặt tại Việt Nam, có địa chỉ thực và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.
- Không được đặt tại căn hộ chung cư có chức năng để ở (theo quy định tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014).
Vốn điều lệ:
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh: là tổng số tài sản đã góp/ cam kết góp từ chủ sở hữu công ty hoặc thành viên công ty.
- Đối với công ty cổ phần: là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua.
- Đối với doanh nghiệp tư nhân, không có vốn điều lệ mà chỉ có vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp.
Ngành, nghề kinh doanh:
Lựa chọn ngành, nghề kinh doanh cấp bốn (tức là ngành, nghề được mã hóa dưới dạng bốn số) trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg để ghi vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Ví dụ: 3091 – sản xuất ô tô, xe máy
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Doanh nghiệp có thể có một hay nhiều người đại diện theo pháp luật (phải là cá nhân), trong đó ít nhất một người phải cư trú tại Việt Nam.
- Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật cũng chính là chủ doanh nghiệp.
Điều lệ công ty
Trừ doanh nghiệp tư nhân là không bắt buộc phải có điều lệ công ty, các loại hình doanh nghiệp còn lại phải có điều lệ công ty trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Điều kiện để được phép thành lập doanh nghiệp
Căn cứ vào các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, doanh nghiệp được phép thành lập khi đáp ứng được các điều kiện sau:
Điều kiện về mặt chủ thể
Các cá nhân, tổ chức có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ những trường hợp dưới đây:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân dùng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an thuộc Công an nhân dân, trừ khi được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý tại doanh nghiệp nhà nước hoặc quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp ;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ tại doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác do được cử làm đại diện theo ủy quyền;
- Người chưa thành niên;
- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang bị phạt tù hoặc bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người đang bị Tòa án cấm giữ chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp luật định khác;
- Tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Pháp nhân thương mại mà theo quy định của Bộ luật Hình sự bị cấm kinh doanh trong các lĩnh vực nhất định.
Điều kiện về ngành, nghề kinh doanh
Doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật không cấm. Theo đó, Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định cấm kinh doanh những ngành, nghề sau:
- Kinh doanh chất ma túy;
- Kinh doanh các loại khoáng vật, hóa chất;
- Kinh doanh mẫu vật khai thác từ tự nhiên của các loài thực vật, động vật hoang dã hoặc các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh mại dâm;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
- Xem chi tiết các ngành, nghề kinh doanh bị cấm tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020.
Vốn pháp định
Đối với một số ngành, nghề đặc biệt; pháp luật sẽ quy định mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp cần có khi thành lập doanh nghiệp để đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ có đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình.
Ví dụ: Vốn pháp định của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng.
Các điều kiện khác:
- Đối với nhà đầu tư nước ngoài, còn cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh do luật định,…
Hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký thành lập doanh nghiệp
Căn cứ Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp khác nhau mà hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng bao gồm các loại giấy tờ khác nhau như sau:
Doanh nghiệp tư nhân
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu của chủ doanh nghiệp tư nhân
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Bản sao các giấy tờ sau:
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân;
- Quyết định thành lập/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu là Nhà nước);
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên
- Bản sao các giấy tờ sau:
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với thành viên công ty là cá nhân;
- Quyết định thành lập/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên công ty là tổ chức;
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
- Quyết định thành lập/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức;
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty hợp danh
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với thành viên công ty là cá nhân;
- Quyết định thành lập/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên công ty là tổ chức;
- Thẻ CCCD/ CMND/ hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định mới nhất
Dịch vụ thành lập công ty, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự sau:
Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như hướng dẫn bên trên
Bước 2: Nộp hồ sơ theo một trong các phương thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Thông qua dịch vụ bưu chính
- Thông qua mạng thông tin điện tử tại website.
Bước 3: Chờ Phòng Đăng ký kinh doanh xét duyệt hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ:
- Nếu hồ sơ hợp lệ: được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: được thông báo về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
- Trường hợp bị từ chối đăng ký doanh nghiệp: sẽ được thông báo bằng văn bản và có nêu rõ lý do.
Bước 4: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và nộp phí.
Nội dung công bố bao gồm:
- Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có) đối với công ty cổ phần.
Bài viết trên cung cấp thông tin dựa trên các quy định của pháp luật về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục để thành lập doanh nghiệp. Nếu có thêm thắc mắc về dịch vụ thành lập công ty, doanh nghiệp Luật Vạn Điểm hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua hotline để được hỗ trợ kịp thời.