Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Nếu như trước đây địa điểm kinh doanh được cấp trong 01 nội dung của đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thì nay mỗi địa điểm kinh doanh được cấp một Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh riêng bên cạnh với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động của các địa điểm kinh doanh khác.
Cơ sở pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh. Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh như sau:
Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh
- Thông báo lập địa điểm kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
- Mã số doanh nghiệp;
- Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở);
- Tên địa điểm kinh doanh: Tên địa điểm kinh doanh phải phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
- Địa chỉ của địa điểm kinh doanh: Tương tự như trụ sở công ty, địa chỉ của chi nhánh, văn phòng đại diện thì địa chỉ đăng ký địa điểm kinh doanh cũng không được là nhà tập thể, nhà chung cư. Nếu là nhà riêng mà có số phòng thì cũng cần cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng). Ngoài ra, trường hợp công ty thuê địa điểm đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh tốt nhất cần yêu cầu bên cho thuê cung cấp các văn bản chứng minh địa điểm không thuộc nhà chung cư, nhà tập thể.
- Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh: Chỉ được kinh doanh theo phạm vi hoạt động của công ty mẹ;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.
- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện hồ sơ.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền/người nộp hồ sơ.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và thụ lý giải quyết
Doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Thời hạn hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận thành lập địa điểm kinh doanh
03 – 05 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.
Lưu ý khi thành lập địa điểm kinh doanh
- Mỗi địa điển kinh doanh của doanh nghiệp dù không phát sinh nghĩa vụ kê khai thuế, mở sổ sách kế toán riêng nhưng phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm (khác với văn phòng đại diện công ty không phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế môn bài).
- Đối với địa điểm kinh doanh có địa chỉ cùng với tỉnh, thành phố với doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản thì chỉ phải kê khai và đóng thuế môn bài theo địa chỉ của doanh nghiệp hoặc chi nhánh.
- Đối với địa điểm kinh doanh không phát sinh hoạt động kinh doanh thì: Đăng ký cam kết không phát sinh hoạt động kinh doanh;
- Đối với địa điểm kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh: địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn của đơn vị chủ quản cho từng địa điểm kinh doanh, gửi Thông báo phát hành hóa đơn của từng địa điểm kinh doanh; kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế nơi địa điểm đặt.
Một số câu hỏi liên quan đến thành lập địa điểm kinh doanh
- Doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh tại đâu?
- Doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh ở nhiều địa bàn khác nhau so với trụ sở chính của công ty.
- Địa điểm kinh doanh có được phát sinh hoạt động kinh doanh không?
- Có, địa điểm kinh doanh hoàn toàn có thể được quyền phát sinh hoạt động kinh doanh.
- Địa điểm kinh doanh có phải nộp thuế môn bài không?
Vì được phát sinh hoạt động kinh doanh nên địa điểm kinh doanh phải nộp thuế môn bài với mức thuế là: 1.000.000 đồng/năm. Năm đầu thành lập địa điểm kinh doanh được miễn thuế môn bài nếu công ty hoặc chi nhánh chủ quản đang được miễn thuế môn bài.
- Công ty được thành lập tối đa bao nhiêu địa điểm kinh doanh?
Không hạn chế số lượng địa điểm kinh doanh được lập cho 01 công ty.